5 trào lưu ăn uống nổi bật năm 2023
Dưới đây là 5 trào lưu ăn uống có sức ảnh hưởng trong năm qua. Danh sách dựa trên kết quả tìm kiếm trên mạng xã hội Facebook, TikTok và ghi nhận thực tế tại các hàng quán trên địa bàn Hà Nội và TP HCM.
Cà phê muối vốn là thức uống gắn liền với xứ Huế trong hơn 10 năm trở lại đây. Cuối năm 2022, trên đoạn đường Phạm Văn Đồng, TP Thủ Đức hay Lê Văn Sỹ, quận 3 manh nha xuất hiện những biển hiệu chào bán cà phê muối. Tháng 2-4/2023, món cà phê muối tiếp tục gây sốt ở TP HCM. Có tiệm mở cửa vỏn vẹn 2 tháng, ngày đầu bán được 30 ly nhưng sau vài hôm đã bán được hơn 1.000 ly mỗi ngày. Món đồ uống dần xuất hiện rộng rãi ở những xe bán dạo, được nhiều tiệm cà phê bổ sung vào thực đơn.
Xe cà phê di dộng ở đường Dương Đình Nghệ, Hà Nội bắt trend bán cà phê muối.
Tại Hà Nội, đồ uống này cũng xuất hiện ở nhiều xe bán dạo trên các tuyến phố như Duy Tân, Trung Kính, Dương Đình Nghệ, Thành Thái (quận Cầu Giấy); Trịnh Văn Bô, Lê Quang Đạo, Tố Hữu (quận Nam Từ Liêm); chùa Láng, Láng (quận Đống Đa).
Cà phê muối là phiên bản nâng cấp từ cà phê sữa, thêm một lớp kem muối ở bề mặt. Lớp kem muối có vị mặn mặn, béo nhưng vẫn giữ được hương vị cà phê. Một ly cà phê muối có giá khoảng 15.000-20.000 đồng.
Trào lưu bánh đồng xu nở rộ ở TP HCM từ tháng 8, với khoảng 10-15 xe bán di động ở đường Phan Văn Trị (quận Gò Vấp), đường Vĩnh Hội (quận 4), đường Hồ Tùng Mậu (quận 1). Một số siêu thị lớn như E-mart (quận Gò Vấp, TP Thủ Đức) cũng thu hút hàng dài thực khách chờ mua món bánh này.
Tại Hà Nội, bánh đồng xu phổ biến từ đầu tháng 9. Đoạn phố Hội Vũ, quận Hoàn Kiếm hoặc tổ hợp trung tâm thương mại ở quận Tây Hồ là những điểm bán bánh đồng xu thu hút hàng dài khách xếp hàng chờ hai, ba tiếng.
Bánh đồng xu vốn là món ăn đường phố nổi tiếng ở Hàn Quốc, nguyên liệu gồm bột mì pha với sữa, trứng, nhân dùng phô mai kéo sợi, trứng muối. Bánh được nướng chín bằng khuôn có hình dạng tròn và in họa tiết mô phỏng đồng xu 10 won. Loại bánh này phải ăn khi nóng để lớp phô mai tan chảy. Khách mua đến đâu người bán thường đổ bánh đến đó.
Tại Việt Nam, món bánh này được bán với giá khoảng 35.000 đồng một chiếc. Thời điểm món bánh ở đỉnh trào lưu, nhiều tiệm bán từ 1.000 đến 2.000 chiếc mỗi ngày.
Trà sữa đất nung có nguồn gốc từ vùng Vân Nam và khá phổ biến ở Đài Loan, Trung Quốc đại lục. Tháng 11, món đồ uống này xuất hiện dày đặc trên các trang mạng xã hội. Tại TP HCM và Hà Nội, một số tiệm cũng "bắt trend" phục vụ món trà sữa này. Sau khi mở cửa được một tuần, quán trà sữa đất nung trên đường 3/2 hút khách đến thưởng thức. Chủ tiệm cho biết lúc nào cũng đông khách, chưa đến 21h đã bán hết, mỗi ngày bán khoảng 200 ly.
Thực khách thưởng thức trà sữa đất nung
Món trà sữa này khác biệt vì được nấu trên bếp bằng đất nung, loại nồi đất nhập từ Trung Quốc.
Một phần trà sữa hoàn chỉnh gồm hơn 14 loại nguyên liệu với khoảng 500 ml trà sữa. Nồi có sẵn phần lọc nên trà rót ra không bị lẫn các cánh hoa hay thảo mộc. Khách có thể uống trực tiếp tại nồi đất hoặc đổ ra ly nhựa mang về. Các nguyên liệu nấu trà sữa chủ yếu là thảo mộc như kỷ tử, táo đỏ, hoa cúc, hồng, nhài, cam, dâu tằm, quế hoa, đậu biếc, long nhãn, đông trùng, được bài trí bắt mắt.
Sau khi đun nóng nồi đất, trà và đường sẽ được cho vào rang trong khoảng 20 giây để dậy mùi. Tiếp đến, các nguyên liệu khác được cho vào đảo đều trước khi chế thêm nước, sữa tươi. Cách pha chế này khiến cho trà có mùi hương đậm đà. Một phần trà sữa mất trung bình 15 phút.
Tháng 11, tại TP HCM và Hà Nội phủ sóng một loại đồ uống mới có tên trà chanh giã tay.
Nhiều đường phố ở TP HCM mọc lên những xe di động bán thức uống này, nằm rải rác ở một số khu vực đông người qua lại như đường Cách Mạng Tháng Tám (quận 1), đường Nguyễn Trãi (quận 5), đường Trường Chinh (quận 12), đường Tân Kỳ Tân Quý (quận Tân Phú). Cảnh tượng thường thấy ở các điểm này là khá nhiều người xếp hàng chờ mua.
Thức uống sử dụng nguyên liệu chính là chanh Quảng Đông (Trung Quốc), hay còn gọi là "chanh nước hoa". Loại này có vỏ dày, nước ít và mang hương thơm đặc trưng. Loại chanh này cũng đắt hơn gấp ba lần so với chanh thường giá 20.000-30.000 đồng một kg. Mỗi ngày cửa tiệm tiêu thụ 50 kg chanh cho thức uống này kết hợp cùng trà nhài hoặc trà olong để tăng hương vị.Người bán cắt ba, bốn lát chanh mỏng, giã tay và pha cùng trà, mật ong hoặc nước đường. Loại chanh này phải giã tay để vỏ tiết ra tinh dầu và nước chanh sánh hơn so với cách vắt thông thường.
Trà chanh giã tay được bán với giá 25.000 đồng một ly. Thời điểm cơn sốt trà tay giã tay đạt đỉnh, nhiều tiệm di động mới mọc lên ở TP HCM bán được trung bình 500 ly mỗi ngày.
Tháng 4, từ khóa "trà sữa ống tre" thu hút hàng trăm triệu lượt xem trên nền tảng TikTok. Theo trang Xinhua, đồ uống này có nguồn gốc ở Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc từ năm 2022. Các tiệm trà sữa ở Tô Châu, Bắc Kinh, Thượng Hải, Hàng Châu cũng đón đầu trào lưu, phục vụ món trà sữa đựng trong ống tre độc đáo. Tại các điểm du lịch nổi tiếng Trung Quốc, món trà sữa ống tre có giá 28 nhân dân tệ (96.000 đồng) mỗi ống. Nhân viên bán hàng cho đủ loại trà sữa vào ống tre, phủ kem rồi rắc vụn bánh khô trang trí. Những đoạn video, hình ảnh khách hàng check in cùng ly trà sữa ống tre phủ sóng các trang mạng xã hội.
Cà phê đựng trong ống tươi, được sử dụng khoảng 5 lần để đảm bảo vệ sinh.
Đầu tháng 12, TP HCM cũng xuất hiện món đồ uống đựng trong ống tre, thay trà sữa bằng cà phê. Quán là dạng xe đẩy di động, nằm bên hông cầu Ông Lãnh, mỗi buổi bán khoảng 150-200 ly, 2 tiếng là hết hàng. Chủ quán cho biết phải lên Tây Nguyên để tìm nguồn ống tre, chọn giống nứa vì có thân to, ruột rỗng vừa đủ thay thế ly nhựa. Tre được chặt thành các đốt dài khoảng 16 cm, rộng 5 cm và vạt nhẵn cành lá. Một tuần quán nhập về hơn 1.000 ống tre, mỗi ngày sử dụng hơn 150 ống. Nhân viên mài nhẵn và rửa sạch ống tre với xà bông qua ba lần nước rồi phơi khô trước khi pha cà phê.
Mỗi ly cà phê ống tre có giá dao động 26.000-32.000 đồng, đã gồm tiền ống tre 12.000 đồng.
Nhận xét Facebook (0)